Môi trường có ảnh hưởng như thế nào tới trí thông minh ngôn ngữ Của Con?
Khi một em bé được sinh ra, cha mẹ sẽ để tâm nhất đến vấn đề sức khỏe, mỗi bữa ăn, giấc ngủ của con. Khi lớn hơn, cha mẹ sẽ để ý đến vấn đề phát triển kỹ năng vận động của con như: lẫy, trườn bò, tập đi… Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ rất quan trọng, nhưng dường như việc này lại ít được chú trọng.
Không phủ nhận rằng trong xã hội hiện đại này, các bậc cha mẹ trở nên thông thái hơn, biết mình nên làm gì để con có thể phát triển tích cực nhất. Nhưng trái lại, những phụ huynh chủ quan, coi nhẹ việc phát triển ngôn ngữ cho con cũng không phải ít. Họ tin rằng sớm muộn con mình cũng sẽ biết nói, bởi đó là quá trình tự phát, không cần bận tâm. Đây là một quan niệm sai lầm khiến nhiều em bé chịu thiệt thòi.
Ngày nay, khi cuộc sống mưu sinh ngày càng khiến cha mẹ bận rộn, trẻ rất dễ bị bỏ quên bên các thiết bị điện tử, những bộ phim hoạt hình, trò chơi ảo. Để rồi đến một thời điểm, cha mẹ bỗng nhận ra con mình dần trở nên “đặc biệt” hơn, trẻ ít nói hoặc không nói, trầm buồn hoặc dễ kích động.
Lúc này, những biện pháp can thiệp đã trở nên phức tạp, tiêu tốn nhiều công sức, tiền bạc và thời gian. Mặt khác, những tổn thương do thiếu hụt khả năng sử dụng ngôn ngữ, bất lực trong giao tiếp với cha mẹ cũng lớn dần trong trẻ. Không có bậc phụ huynh nào mong muốn con mình rơi vào hoàn cảnh đó, nhưng việc thiếu hiểu biết về sự phát triển ngôn ngữ của trẻ sẽ khiến cha mẹ vô tình bỏ qua những cơ hội để con được nói.
Những yếu tố môi trường nào ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ?
Trẻ sẽ ghi nhớ tốt hơn với những từ ngữ nói về điều trẻ đang quan tâm. Cha mẹ có thể quan sát để tìm hiểu điều này rõ hơn khi ghi lại những từ đơn đầu tiên mà trẻ nói được. Trí nhớ của trẻ có tính chọn lọc, bởi vậy mà phụ huynh cảm thấy mình đã nói với con rất nhiều điều, nhưng dường như con không học được từ ngữ nào. Ngược lại, ở một thời điểm khác thật bất ngờ, cha mẹ lại có thể nghe được trẻ gọi tên chính xác một món đồ, một món ăn, một con vật nào đó.
Khi trẻ bắt đầu tập nói, trẻ sẽ học cách gọi “ba”, “mẹ”, “bà” bởi đó là những người thân gần gũi nhất và trẻ cần người thân ở bên cạnh mình. Trẻ biết bập bẹ “măm măm” để thể hiện nhu cầu muốn ăn uống. Có trẻ thích được bế ẵm sẽ biết nói từ “bế” trước, trẻ thích được đi chơi sẽ học cách nói “đi đi”. Chính vì thế, cha mẹ có thể tận dụng điều này, quan tâm đến những điều trẻ mong muốn, đồ chơi mà con thích, sự vật mà con thấy hứng thú để lựa chọn từ ngữ truyền đạt cho trẻ.
Quan trọng hơn, cha mẹ cần kiên nhẫn nhắc đi nhắc lại với con những từ ngữ đó mỗi ngày để con dần ghi nhớ. Điều này sẽ giúp tăng vốn từ của trẻ một cách tự nhiên, vừa học vừa chơi khiến trẻ không cảm thấy buồn chán.
Giao tiếp với gia đình hiệu quả
Điều này có thể khiến nhiều phụ huynh cảm thấy “xót” con một chút, kể từ khi trẻ một tuổi, cha mẹ không nên đáp ứng trẻ ngay thời điểm trẻ đưa ra yêu cầu. Cha mẹ hãy giúp con thể hiện nhu cầu đó bằng ngôn ngữ và hướng dẫn con nhắc lại. Trẻ sẽ không thể nhắc lại chính xác ngay từ lần đầu, nhưng cha mẹ sẽ nhận thấy con cố gắng bập bẹ để nói theo. Điều phụ huynh cần là hãy khéo léo và linh hoạt trong cách hướng dẫn, thể hiện cảm xúc tích cực, ngữ điệu vui vẻ để trẻ cảm thấy được khích lệ. Khi nhìn thấy sự nỗ lực của con, cha mẹ hãy khen ngợi cũng như đáp ứng điều con muốn.
Phụ huynh không nên đặt kỳ vọng quá cao rằng trẻ sẽ cho thấy một kết quả hoàn hảo chỉ sau một vài lần thực hành. Con có thể sẽ không hợp tác, không phát âm, nhưng nếu trẻ dùng ánh mắt chăm chú quan sát khẩu hình của cha mẹ thì trẻ đã đang học rồi. Trường hợp trẻ không chịu quan sát, không chịu phát âm, cha mẹ cần khuyến khích con lại lần nữa, hoặc đổi cách khác thu hút hơn thay vì dễ dàng bỏ cuộc và đáp ứng con. Việc học ngôn ngữ là một quá trình dài, sự kiên nhẫn của cha mẹ đối với trẻ sẽ giúp mang lại trái ngọt.
Bạn bè của con
Khi trẻ đã học được một lượng vốn từ nhất định không có nghĩa là trẻ đã biết thể hiện mọi thứ bằng ngôn ngữ. Nếu những kiến thức ấy không được thực hành nhiều lần, mọi thứ sẽ trở nên phai mờ theo thời gian. Bởi vậy, cha mẹ cần tạo điều kiện để con có nhiều cơ hội thực hành giao tiếp, đối tượng sẽ không dừng lại ở người thân trong gia đình nữa, mà là bạn bè đồng trang lứa.
Khi những đứa trẻ giao tiếp với nhau, chúng sẽ không mang trong mình mong muốn đáp ứng nhu cầu của nhau như khi cha mẹ giao tiếp với con cái. Mỗi em bé sẽ chỉ chú ý đến ý muốn cá nhân của mình. Chính vì thế, các bé đều cần cố gắng để truyền tải thông điệp của mình đến bạn bè, đồng nghĩa với việc trẻ sẽ phải thực hành sử dụng ngôn ngữ nhiều hơn. Theo đó, sự phát triển ngôn ngữ của trẻ sẽ ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Phụ huynh có thể quan sát cách mà các bé chưa biết nói giao tiếp với nhau, trẻ hoàn toàn có thể hiểu ý nhau kể cả khi chỉ nghe đối phương “ê”, “a” kèm theo các cử chỉ hình thể. Khi trẻ lớn dần, những điều trẻ cần được nói ra cũng tăng lên. Nếu trẻ được tiếp xúc với bạn bè thường xuyên thì tốc độ phát triển ngôn ngữ cũng tăng theo. Nhiều cha mẹ có con được đi nhà trẻ trong độ tuổi tập nói đã cảm nhận được sự tiến triển tích cực của con mình sau một thời gian ngắn.
Đến đây, Hitalk hi vọng phần nào ba mẹ đã hiểu được môi trường có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Việc tạo dựng một môi trường phát huy đầy đủ những yếu tố có lợi sẽ là những hạt mầm tốt để trẻ được nuôi dưỡng “cây ngôn ngữ” khoẻ mạnh, xanh tươi. Sự kiên trì, nhẫn nại của cha mẹ khi thực hiện các hoạt động phát triển ngôn ngữ cho trẻ một cách đều đặn sẽ sớm mang lại quả ngọt, góp phần xây dựng một thế hệ mầm non đất nước triển vọng.
Đừng quên theo dõi Hitalk để cập nhật nhiều kiến thức, kỹ năng học tiếng anh hay hơn nữa nhé!
Hotline: 1900 99 88 15
Website: https://hitalk.edu.vn/